TÔI NGHĨ GÌ VỀ VIỆC HỌC?
Tôi vừa thi xong giữa kỳ môn toán (thật ra phải gọi là môn Phương pháp nghiên cứu định lượng mới đúng, nhưng bọn tôi cứ gọi tắt là toán). Tối hôm đấy, tôi nhận được tin nhắn của mấy đứa bạn cùng lớp, đứa nào cũng thở phảo nhẹ nhõm. “Phù, vậy là xong. Tớ chẳng quan tâm kết quả thế nào, chỉ thấy vui vì đã thi xong rồi”. “Trời, tớ không tin được là mình có thể làm được, với tớ toán lúc nào cũng là một cực hình. Học xong toán kỳ 1, tớ còn định bỏ học luôn ý”. Những tin nhắn như này khiến tôi không khỏi bật cười. Tôi chỉ có đúng ba ngày để ôn thi toán vì tuần trước, tôi phải dành thời gian để đọc cẩn thận và lên kế hoạch thảo luận cho môn học Political Institutions (chúng tôi thay nhau dẫn thảo luận mỗi tuần). Đề thi toán khác hẳn với những gì chúng tôi mong đợi, thầy không yêu cầu chúng tôi tính toán gì cả, thầy chỉ yêu cầu bọn tôi giải thích một cách logic các mô hình, các giả thuyết, và đưa ra lập luận khi lựa chọn mô hình cho các đề bài nghiên cứu khác nhau. Về cơ bản, thầy chỉ kiểm tra xem chúng tôi có hiểu bản chất những thứ chúng tôi đã học hay không. Thi toán mà tôi chẳng cần động đến máy tính, đến giấy nháp. Kể ra cũng kỳ lạ phải không!
Sau bài kiểm tra toán giữa kỳ, tôi cứ nghĩ mãi về việc học. Quan niệm về việc học của tôi đã thay đổi rất nhiều sau khi được tiếp cận với các nền giáo dục khác nhau. Và hôm nay tôi muốn chia sẻ với bạn đọc blog những suy nghĩ, quan điểm của tôi về việc học và giáo dục.
ĐỪNG HỌC VÌ ĐIỂM SỐ
Từ khi nhận ra tầm quan trọng của giáo dục, tôi thật sự thích học. Nhiều bạn bè của tôi than thở rằng học rất chán, và họ luôn đặt ra một giới hạn nhất định cho việc học như “học đại học là đủ”, “học thế thôi học lắm làm gì”, vân vân và vân vân. Tôi thì ngược lại, tôi luôn có niềm hứng khởi bất tận đối với việc học. Nhưng tôi muốn chia sẻ với bạn một sự thật xấu xí: khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn bị ám ảnh bởi điểm số. Tôi đã từng nghĩ rằng điểm số phản ánh khả năng học, trí thông minh, năng lực của một con người. Hồi cấp 3 tôi bị ám ảnh điểm số đến mức dù có được học sinh giỏi, tôi vẫn thấy buồn và xấu hổ nếu điểm phẩy không cao. Lên đại học, nỗi ám ảnh điểm số cũng chẳng giảm đi trong tôi. Thậm chí, đã có lúc tôi quan niệm rằng điểm số là thứ định hình bản sắc của tôi. Tôi xin chia sẻ với bạn một kỷ niệm mà giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy mình thật ngớ ngẩn. Khi còn là sinh viên năm hai đại học, một lần tôi được điểm 7 môn đọc tiếng Anh, chỉ điều ấy thôi mà tôi buồn ơi là buồn, tôi “chỉ trích” bản thân, tôi tự thấy mình thật đáng chán.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về lý do tại sao tôi lại bị ám ảnh bởi điểm số nhiều đến vậy. Mãi sau này khi đã trưởng thành hơn, khi đã bước ra khỏi thế giới nhỏ bé an toàn của mình, khi đã được tiếp cận với nhiều nền giáo dục khác nhau, tôi mới nhận ra rằng nỗi ám ảnh điểm số đến từ sự nhạy cảm về cách người khác nghĩ về năng lực của tôi. Hồi còn đi học, điểm số luôn được dán công khai trên trường. Tôi còn nhớ, ai ai cũng có thể dùng Internet để tìm kiếm điểm thi đại học của tôi, và tôi cũng có thể tìm điểm của người khác để …so sánh. Lên đại học, điểm số luôn được dán trên bảng tin của trường. Điểm số không phải là một tài sản cá nhân, mà ngược lại nó như một thứ hình thức được chưng ra bên ngoài để người khác vịn vào đánh giá những phẩm chất bên trong ta. Hôm qua đọc lại những trang nhật ký tôi viết cách đấy mười năm mà vừa buồn cười, vừa thấy thương bản thân mình. Một trang nhật ký viết về những cảm xúc xấu hổ khi một lần tôi bị điểm kém. Nhật ký khi lại những “nỗi niềm” của tôi khi nghĩ đến cảnh cảnh ai cũng nhìn thấy điểm thi của tôi và cách họ bàn tán tôi. Tôi bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cách người khác đánh giá khả năng học của tôi. Tất nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng như tôi, có lẽ nhiều bạn rất vô tư, chẳng quan tâm gì đến điểm số và cách đánh giá nhìn nhận của người khác. Nhưng tôi lại vô cùng nhạy cảm về điều này, có lẽ bởi những trải nghiệm ngày thơ ấu. Và vì chạy theo điểm số, nên rất nhiều lần tôi tìm mọi cách để được điểm cao mà không quan tâm đến việc tôi có hiểu thật sâu, hiểu bản chất những gì tôi học hay không. Giáo dục phương Tây không hoàn hảo, nhưng có một điều tôi thật sự thích ở nên giáo dục ấy là cách giáo viên và nhà trường tôn trọng điểm số của sinh viên. Điểm số là tài sản cá nhân, không một ai ngoại trừ bản thân sinh viên và giáo sư chấm bài được biết. Vì thế, sinh viên sẽ tránh được việc so sánh bản thân với người khác, và tập trung vào phát triển bản thân sao cho ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.
HỌC VÌ CHA MẸ, THẦY CÔ?
Dạo gần đây, tôi nhận được tin nhắn của một em sinh viên hỏi về việc đi du học. Liệu em có nên nghe lời bố mẹ đi du học để khiến bố mẹ vui lòng, trong khi bản thân em lại chưa sẵn sàng cho việc ấy. Tin nhắn của em khiến tôi nhớ lại những tháng ngày ôn thi đại học. Mẹ rất yêu tôi, và mong tôi đỗ đại học. Sự mong mỏi của mẹ khiến tôi lựa chọn một giải pháp an toàn- thi một trường mà khả năng đỗ của tôi là rất cao- mặc dù tôi biết đó có thể chưa phải là trường tôi muốn theo đuổi nhất. Nhưng nếu không đỗ, tôi chắc chẳng có dũng khí để đối mặt với nỗi buồn và thất vọng của những người xung quanh. Đó chẳng phải là lỗi của ai cả. Tôi lúc ấy mới mười tám tuổi, làm sao có đủ thông tin và trải nghiệm để đưa ra những quyết định lớn trong cuộc đời. Tôi tin rằng khuyên một đứa trẻ mười tám tuổi hãy theo đuổi và lựa chọn quyết định theo sở thích và đam mê của nó là một lời khuyên “trật lất”. Một đứa trẻ không thể chống lại được sự vận hành của cả một xã hội. Nó chỉ có thể học theo đam mê và sở thích nếu cha mẹ, thầy cô và cả xã hội cho phép nó. Nó chỉ có thể biết nó muốn gì và đam mê gì nếu cha mẹ, thầy cô cung cấp cho nó thông tin, động viên nó phát triển điểm mạnh tự nhiên của nó, mà không áp đặt điều mà người lớn cho là tốt. Nó chỉ có thể học vì nó nếu xã hội không đánh giá năng lực, trí thông minh của nó dựa trên điểm số, khả năng học những môn “chính” như toán, lý, hoá, vân vân.
Khi đã trưởng thành và hiểu biết hơn, tôi luôn quan niệm rằng, mọi quyết định của bản thân phải là vì hạnh phúc và cuộc sống của mình trước tiên. Nhiều bạn học PhD (đa phần đến từ các nước châu Á) chia sẻ với tôi rằng, họ học ..một mạch từ đại học lên tiến sỹ vì..bố mẹ và gia đình muốn thế. Có bằng tiến sỹ là một niềm vinh hạnh cho cả gia đình và dòng họ. Cậu bạn người Thái Lan tôi mới quen chia sẻ với tôi “Mai biết không, ở ngôi làng tớ sinh ra, người ta đánh gía cao bằng cấp lắm. Tớ học xong tiến sỹ khi về là được cả làng ra đón ý”. Nhưng giọng cậu buồn buồn khi thú nhận rằng cậu chẳng yêu thích việc học tiến sỹ, nhưng vì muốn làm “rạng rỡ” gia đình nên liều “nhắm mắt đưa chân”. Tôi khẽ thở dài nhìn cậu, một chàng trai thông minh tài năng thế này mà không được sống theo đam mê của bản thân. Tôi thầm hỏi, vì làm người khác vui mà đánh đổi hạnh phúc của bản thân như thế có đáng không?
HỌC VÌ BẰNG CẤP
Ai đó đã nói với tôi “Mai học lắm thế, cậu thích sưu tập…bằng cấp lắm à?”. Câu hỏi ấy khiến tôi chợt nhận ra “à, thì ra nhiều người cho rằng mình học PhD là vì tấm bằng”. Thật lòng, học PhD chỉ vì tấm bằng sẽ là một sai lầm vô cùng lớn. Học PhD vô cùng vất vả, gian nan, nếu không vì yêu thích, bạn sẽ không tìm đâu ra năng lượng, nhiệt huyết mà đối đầu với những khó khăn, trở ngại, và sự căng thẳng mà cuộc đời nghiên cứu sinh “dành tặng” bạn.
Từ tận đáy lòng, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có thêm một tấm bằng sẽ khiến tôi trở nên “danh giá, giá trị” hơn người khác. Tôi không tin, bằng cấp có thể dùng làm thước đo một con người. Tôi đã nghe, đã được nghe, đã tận mắt thấy những mặt trái của bao người nhà treo đầy bằng cấp. Một người chuyên làm nghiên cứu về bình đẳng giới lại có khi chẳng bao giờ tôn trọng phụ nữ. Một giáo sư chuyên viết bài về những chính sách đẩy mạnh sự tham gia vào chính trị của các nhóm thiểu số trong xã hội Mỹ lại dùng “quyền lực” của mình để chèn ép những giáo sư trẻ mới vào nghề. Thầy tôi ở Anh đã từng nói với chúng tôi thế này: “càng học cao các em lại càng mất đi khả năng lắng nghe và đồng cảm với khác, đặc biệt là những người mà các em cho là học ít, biết ít hơn mình”. Đó là câu nói tôi luôn ghi trong lòng. Bằng cấp không bao giờ đồng nghĩa với sự tử tế. Nhiều khi tôi tự hỏi “liệu bản thân mình có phải là một người tử tế không?”. Và rất nhiều lần tôi cho rằng bản thân tôi có quá nhiều khuyết điểm, nhiều sai lầm cần sửa chữa….
VẬY HỌC VÌ ĐIỀU GÌ ĐÂY?
Ta đừng nên học vì điểm số, vì bằng cấp, vì sự vui lòng của cha mẹ, thầy cô. Vậy mục đích của việc học là gì? Tôi luôn quan niệm rằng, học-dù là học từ sách vở, trên trường lớp hay học từ cuộc sống-trước hết phải nhằm mục đích làm đẹp, làm rộng thêm, làm cao thêm đầu óc và tâm hồn mình. Học để làm cho bản thân ta bớt thiên kiến, hẹp hòi. Đối với tôi, một tấm bằng không phản ánh một cá nhận “có học” hay không. Nếu nhà ta treo đầy bằng cấp, nhưng tâm ta bảo thủ, cố hữu luôn cho rằng mình là đúng, mình là số một, không đủ rộng lượng để dung nạp những quan điểm đa chiều, không “thèm” nhìn một sự vật, sự kiện với đầy đủ mặt phải trái, trắng đen của nó thì có lẽ ta cần xem lại việc học của chính mình. Và tôi tin rằng, đầu óc hẹp hòi, suy nghĩ một chiều thật sự là những mầm cây xấu cho một xã hội văn minh, phát triển.
Lại nữa, học trước hết phải đem lại cho ta nguồn hạnh phúc bất tận. Việc học (một cách nghiêm túc) không bao giờ là dễ dàng, dù là học chính quy trên trường lớp, hay học từ cuộc sống xung quanh, nhưng ta phải luôn nhìn thấy niềm vui và hạnh phúc trong những “gian truân” mà việc học mang lại. Học vì niềm hạnh phúc của bản thân ta, không phải vì hạnh phúc của cha mẹ hay bất cứ ai trên đời này.
Và sau bao trải nghiệm học tập từ trường lớp và cuộc sống, tôi nhận ra rằng, ta phải học một cách sâu sắc để hiểu bản chất sự việc. PhD dạy tôi rằng chỉ có hiểu bản chất ta mới có đủ năng lực nhìn ra rằng mọi sự vật trên đời đều liên quan khăng khít với nhau. Một sự việc xảy ra có lẽ bởi hàng loạt nguyên nhân trước đó mà ta chẳng hề hay biết. Nếu không học sâu, ta sẽ chỉ luôn nhìn thấy các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống như những mảnh ghép thô kệch, thiếu ăn ý của một bức tranh được vẽ bởi một người hoạ sỹ vụng về.
Cảm ơn các bạn đã đọc những tâm sự của tôi đến những dòng cuối cùng!
Chúc bạn một thứ hai nhiều niềm vui!
Thanh Mai - LinkDayDu